Thị trường BĐS tại Hà Nội và sự Thăng trầm ở từng phân khúc
Trong khi nhiều phân khúc BĐS như biệt thự liền kề, nhà đất thổ cư tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Hà Nội đều giảm giá, thậm chí giảm sâu để đẩy hàng, nhưng vẫn trầm lắng thì thị trường căn hộ đang có những tín hiệu khả quan. Bên cạnh đó, thị trường văn phòng cho thuê vẫn chưa thể phục hồi…
Thi trường căn hộ: Tín hiệu tốt từ các dự án sắp hoàn thành
Trên trục đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, tòa nhà FLC Landmark Tower đang ở thời điểm bàn giao nhà và tại đây nhiều nhà đầu tư thứ cấp đang rao bán căn hộ trên mạng với giá từ 21 – 23 triệu đồng/m2, nhưng hầu như ít giao dịch diễn ra. Tương tự, tại nhiều tòa nhà trong KĐT Định Công quận Hoàng Mai, các căn hộ ở đây được rao bán với mức khoảng 30 triệu đồng/m2 hầu như rất ít giao dịch. Còn khu vực nằm sâu trong khu Định Công có dự án rao bán với giá từ 17 – 20 triệu đồng/m2 vẫn trong tình trạng ế ẩm.Ngoài ra, tại một loạt dự án nằm dọc trục Đại lộ Thăng Long như Bắc An Khánh, Nam An Khánh hiện vẫn không bán được hàng dù giảm giá tới 30 – 40%.
Trong khi thị trường căn hộ có những tín hiệu khả quan thì phân khúc biệt thự, nhà đất thổ cư vẫn trầm lắng.
Chủ một sàn giao dịch BĐS trên đường 32 cho biết, hầu hết khách hàng tại các dự án trên đều đã đầu tư từ thời điểm thị trường còn sôi động nay đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”. Anh Phạm Minh Long, giảng viên trường Đại học Công đoàn cho hay: “Để mua được 1 căn hộ ưng ý thật sự khó. Thông tin căn hộ chung cư giảm giá rao nhan nhản, chỉ đến khi tìm thật đến nơi mới thấy lời quảng cáo và dự án khác xa vời vợi”.
Chị Nguyễn Thị Anh, cán bộ Bệnh viện Nhi T.Ư ngán ngẩm cho biết, do đã chót đầu tư vào một dự án nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân từ hơn 2 năm nay, tiến độ đóng tiền tính ra đã được 40%, đến nay tòa nhà mới xây lên được tầng 2 và không biết đến bao giờ mới hoàn thành.
Theo chị Nguyễn Thị Anh, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn chờ đến khi dự án hoàn thành, đã có rất nhiều nhà đầu tư rao bán căn hộ với mức rẻ hơn giá gốc nhưng vẫn không “đẩy” được. Những dự án giá rẻ thường ở xa trung tâm, tiến độ chậm, nơi có hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, hoặc chưa hình thành. Trong bối cảnh BĐS đóng băng như hiện nay, nhiều nhà đầu tư băn khoăn tiền đã đóng không biết khi nào chủ đầu tư mới hoàn thiện để bàn giao nhà.
Chọn mặt gửi vàng
Nhìn vào những dự án có tính thanh khoản tốt trong thời gian gần đây, có thể thấy, phần lớn tập trung vào những dự án đã hoặc sắp hoàn thành và những dự án chủ đầu tư chứng tỏ năng lực tài chính khi thực hiện theo đúng tiến độ.
Theo đại diện tổng công ty chuyên về xây dựng và BĐS quân đội, hiện nay tình trạng đầu tư – đầu cơ giảm, khách hàng phần lớn là người có nhu cầu ở thực, do đó khi mua căn hộ thường quan tâm tới 3 vấn đề chính: Thứ nhất, hạ tầng xã hội tại khu vực định mua nhà; thứ hai, khả năng tài chính của chủ đầu tư dự án; thứ ba, tính pháp lý và tiến độ của dự án. Cụ thể như tại tòa nhà Complex thuộc KĐT Mỹ Đình I do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng đang xây dựng có giá bán từ 26 – 29 triệu đồng/m2 hiện đã đã bán hết.
Tại hội thảo “Thị trường BĐS, giải pháp và cơ hội tiếp cận các tổ chức tín dụng” mới đây, nhiều chuyên gia cho biết, hầu hết các phân khúc từ cao cấp đến bình dân đều giảm giá, trong đó, tốc độ giảm mạnh nhất là căn hộ trên 25 triệu đồng/m2. Các dự án đang giảm giá nhưng chủ yếu với các dự án chưa hoàn thiện. Còn tại các dự án có sẵn căn hộ để người dân có thể vào ở ngay và hạ tầng đồng bộ lại đang rất thiếu.
“Hàng loạt các dự án giảm giá rất mạnh, tới 30 – 40%, tuy nhiên, các dự án đã hoàn thành, có đủ hạ tầng xã hội giảm không đáng kể mà vẫn có người mua. Sự giảm giá các căn hộ tùy từng dự án trên cho thấy tính chất thị trường thật đã xuất hiện.” – GS.TSKH Đặng Hùng Võ
Thị trường văn phòng cho thuê: Chưa thể phục hồi
Cách đây 3 năm, một doanh nghiệp đã phá căn nhà cũ diện tích hơn 100m2 mặt một tuyến phố mới mở để đầu tư xây dựng tòa nhà 7 tầng, dành một phần cho thuê làm văn phòng. Tòa nhà có cả hầm để xe, thang máy, hệ thống điều hòa nhiệt độ tổng… với tổng số tiền đầu tư hơn chục tỷ đồng. Quả thật, nếu ở thời điểm cách đây 3-4 năm, quyết định đầu tư xây dựng văn phòng cho thuê là chính xác vì số DN thành lập mới tăng rất nhanh, trong khi nhu cầu mở rộng văn phòng của các DN cũ cũng lớn. Bản thân công ty này đã nhiều năm phải đi thuê văn phòng. Nhưng, dự án văn phòng cho thuê không “thuận buồm xuôi gió”. Khi tòa nhà hoàn thành cũng là lúc kinh tế khủng hoảng, DN, nhất là DN vừa và nhỏ điêu đứng, phá sản; thị trường bất động sản (BĐS) “đóng băng” nên văn phòng cũng chỉ cho thuê được 6 tháng thì DN trả lại, với lý do tiết kiệm, giảm chi phí. Từ đó đến nay, văn phòng ở trong tình trạng bỏ không.
Thị trường văn phòng cho thuê rơi vào tình trạng khách thuê lần lượt ra đi.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Không khó để gặp những tòa nhà văn phòng trống, với băng rôn quảng cáo “văn phòng cho thuê” treo trước cửa ở bất kỳ một tuyến phố nào đó trong nội thành. Thậm chí, cả những tòa nhà văn phòng lớn hoạt động hàng chục năm nay cũng rơi vào tình trạng khách thuê lần lượt “ra đi” mà không hẹn ngày trở lại. Lãnh đạo một DN có tòa nhà văn phòng cho thuê than thở, chúng tôi đã phải kêu gọi cán bộ, nhân viên tiếp thị và sẵn sàng thưởng tỷ lệ phần trăm cao nếu tìm được khách thuê. Theo báo cáo thị trường của các công ty tư vấn, quản lý BĐS, thời gian qua giá văn phòng cho thuê giảm mạnh, bình quân 7% ở tất cả các hạng. Trong đó, văn phòng hạng C giảm cả công suất thuê và giá thuê.
Đánh giá về thị trường, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều DN BĐS gặp khó khăn. Các phân khúc của thị trường đều giảm mạnh về số lượng giao dịch và giá cả. Trong khi đó, số lượng DN BĐS đăng ký thành lập mới giảm mạnh và số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động tăng cao trong những tháng đầu năm. Tổng hợp của Bộ Xây dựng cho thấy, DN thành lập mới trong ngành xây dựng giảm 23% và trong ngành BĐS giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể trong ngành xây dựng và BĐS tăng 16%. Từ tháng 6/2012, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, lạm phát có dấu hiệu được kiềm chế, lãi suất huy động, cho vay đã giảm đáng kể so với thời điểm cuối năm 2011, nhưng các DN nói chung, DN xây dựng nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Hơn 70% DN đang vay vốn với lãi suất cao hơn 17%/năm. DN thiếu vốn nghiêm trọng cho sản xuất và đầu tư nhưng không đủ điều kiện để có thể tiếp cận tín dụng hoặc không dám vay bởi lãi suất cao.
Báo cáo của các công ty tư vấn, quản lý BĐS đều có chung nhận định, kinh tế suy thoái kéo dài là trở ngại cho sự phục hồi của các DN, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cầu thị trường văn phòng. Điều đó có nghĩa là phân khúc thị trường văn phòng cho thuê phụ thuộc vào sự phục hồi của DN. Nhưng bao giờ DN phục hồi, phát triển vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
(Theo Hà Nội Mới/KTĐT
Leave a Reply